Sở hữu hơn 150ha chanh, mỗi năm cung cấp ra thị trường 1.500 tấn chanh, thay vì chỉ xuất bán dưới dạng quả tươi, Trang trại Chanh Việt (ở huyện Bến Lức tỉnh Long An) đã đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao nhằm tăng giá trị nông sản.
Quy tụ nhà khoa học từ lúc khai sinh
Trong những năm gần đây, trồng chanh không hạt trên vùng đất nhiễm phèn tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An diễn ra sôi nổi. Trong số đó, trang trại chanh của Công ty Chanh Việt đã đầu tư trên diện tích hơn 150ha. Từ nỗ lực đầu tư, ứng dụng những công nghệ trồng và chế biến hiện đại, trang trại đã tạo cú hích lan tỏa vùng nguyên liệu 7.000ha của Bến Lức. Từ một một cây trồng mới mẻ, giờ đây cây chanh đã trở thành một trong những cây trồng quan trọng với nông dân tỉnh Long An.
Anh Nguyễn Văn Hiển – Chủ tịch HĐQT Công ty Chanh Việt được mệnh danh là người tiên phong làm sống lại “vùng đất chết” khi đưa giống chanh không hạt về vùng đất nhiễm phèn. Anh còn được nhiều người biết đến bởi những quyết sách táo bạo nhưng chắc chắn trong lĩnh vực đầu tư, biết đón đầu trong kinh doanh. Từ bản năng đó, ngay từ những ngày đầu, song song với việc cải tạo đất, xuống giống, chăm sóc và theo dõi sự phát triển của cây chanh, anh đầu tư luôn hàng ngàn mét vuông khu sản xuất để chế biến chanh.
Con đường xây dựng trang trại của anh Hiển ngay khi bắt đầu được tiếp sức bởi Tiến sĩ Trương Quang Bình, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Thời điểm đó Thạc sĩ Bình cùng các cộng sự lặn lội đến trang trại này lấy mẫu đất về phân tích trước khi ông sang Úc làm luận án tiến sĩ. Để có vùng chuyên canh lớn theo phương thức hữu cơ, nhóm của vị tiến sĩ nghiên cứu đầy đủ các chỉ tiêu về không khí, thổ nhưỡng, giống cây trồng phù hợp, cách chăm sóc, năng suất…
Sự khác biệt của Chanh Việt cho đến nay là ngay từ đầu được các nhà khoa học định hướng tiêu chuẩn quản lý trang trại Global GAP; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), từ quy trình canh tác, thiết kế trang trại cho đến sau thu hoạch nên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Nhật. “Thấy mình tâm huyết, các thầy hết lòng chia sẻ, họ cho tôi thấy rõ con đường làm nông nghiệp muốn tiến xa và bền vững thì không có cách nào khác ngoài ứng dụng khoa học công nghệ,” anh Hiển nói.
Nhờ có sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, những sản phẩm của Chanh Việt ngay từ đầu đã được trên nền tảng của công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng đến an toàn thực phẩm. “Bản thân tôi không có kiến thức về trồng trọt quy mô lớn cũng như công nghiệp thực phẩm. Nếu không có các nhà khoa học, bây giờ tôi cũng như bao nhà nông khác hoặc trang trại giờ vẫn là khu đất hoang,” anh Hiển bộc bạch.
Chanh Việt ra thị trường quốc tế
Hiện sản lượng hằng năm của Công ty Chanh Việt đạt khoảng 1.200-1.500 tấn, cung cấp cả sản phẩm tươi và chế biến. Công ty xuất khoảng 30-40% chanh trái loại 1 sang châu Âu. Mỗi tháng, Công ty xuất sang Nhật Bản khoảng một tấn nước cốt chanh cô đặc, chiết xuất từ khoảng bốn tấn chanh tươi, được người Nhật sử dụng pha chế các loại thức uống.
Sản phẩm chế biến sâu của Công ty nổi bật nhất là bột chanh gia vị. Hàng năm, Công ty đưa ra thị trường khoảng 20 tấn bột chanh. Sản phẩm bột chanh được tiêu thụ chính ở các chuỗi nhà hàng, đặc biệt ở những chuỗi lẩu Thái, mì cay, các nhà hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Hàm lượng chanh trong gói gia vị Chanh Việt chiếm tỷ lệ 5% so với các sản phẩm khác chỉ khoảng 0,5%, anh Hiển cho biết.
Đánh giá về những tâm huyết, của anh Hiển, Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết, “Tôi đánh giá cao về sự tâm huyết và mô hình của Hiển, một người vừa có tâm vừa có tài, một người đam mê làm nông nghiệp thực thụ, bởi thế nên đã tập hợp được nhà khoa học và nông dân cùng tạo ra giá trị cho cây chanh trên vùng đất nhiễm phèn nặng”.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, chế biến sâu sẽ chủ động được đầu vào, cân đối được đầu ra, không lo được mùa mất giá, không lo bị thương lái ép giá, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân tại địa phương. Đồng thời sẽ giúp Chanh Việt có thể tiến xa hơn trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
“Mấy chục năm nay tôi vẫn dùng chanh mỗi ngày vì là loại thức uống tốt cho sức khỏe, như nhiều chứng minh khoa học về tác dụng của trái chanh. Trong mùa dịch Covid-19 chanh cũng là thứ giúp cho chúng ta có sức đề kháng, hạn chế lây nhiễm”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ thêm.
Tiết lộ về lộ trình tiếp theo, anh Hiển cho biết, Công ty sẽ tập trung vào chế biến sâu và tăng sản lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bởi vậy, tới đây Công ty sẽ phải thu mua chanh tươi của bà con nông dân. Hiện sản phẩm của Chanh Việt như nước cốt chanh tươi, nước cốt chanh muối và bột chanh đã được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ ngày một tăng cao.
“Mới đây, chúng tôi đã nghiên cứu thành công nước cốt chanh muối thay thế cho nước chanh muối sử dụng hương chanh hiện nay. Tới đây chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để sản xuất ra những sản phẩm từ chanh như: tinh dầu vỏ chanh, mứt chanh sấy dẻo, xà phòng chanh… chúng tôi áp dụng phương pháp “vắt chanh mà không bỏ vỏ”, anh Hiển vui vẻ cho biết thêm.
Theo anh Hiển, thị trường Trung Quốc cũng rất tiềm năng, một đối tác đang đàm phán với Chanh Việt để cung cấp nước cốt chanh tươi với sản lượng lớn cho thị trường này. Còn thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay đang là đối tác ổn định với sản phẩm nước cốt chanh tươi.
Mục đích của sản xuất quy mô lớn là làm tăng chuỗi giá trị, bằng cách kết hợp với nhà khoa học để chế biến sâu. Làm nông nghiệp giờ đã thay đổi nhiều, đòi hỏi các ứng dụng công nghệ, sự hiểu biết xu hướng, các tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không có nhà khoa học mình chỉ thành công một nửa.
Theo anh Hiển, thị trường Trung Quốc cũng rất tiềm năng, một đối tác đang đàm phán với Chanh Việt để cung cấp nước cốt chanh tươi với sản lượng lớn cho thị trường này. Còn thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay đang là đối tác ổn định với sản phẩm nước cốt chanh tươi.
Sự khác biệt của Chanh Việt cho đến nay là ngay từ đầu được các nhà khoa học định hướng tiêu chuẩn quản lý trang trại Global GAP; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), từ quy trình canh tác, thiết kế trang trại cho đến sau thu hoạch nên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Nhật.
Nguồn: http://langmoi.vn/che-bien-sau-nang-cao-gia-tri-cho-trai-chanh/